Nhắc đến các nền tảng trao đổi kiến thức trong cộng đồng, Wikipedia chắc hẳn là nền tảng đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến.

Cơ mà, tôi cho rằng Quora – với lượng người dùng đông đảo chẳng kém cạnh Twitter – cũng xứng đáng có một chân trong danh sách này.

Tôi luôn cảm kích, cũng có thể nói là xúc động mỗi khi nghĩ về những lòng tốt và sự nhân văn, về việc chúng sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích thế nào đến những ai đang cần, ngay tại đúng thời điểm. Sẽ ra sao nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực? Điều gì mang những người xa lạ đến với nhau theo cách này? Và quan trọng hơn hết, làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau đi xa hơn? Liệu rằng, ta có thể chứng kiến những nối kết sâu sắc và bền chặt được chớm nở từ đây, điều mà thậm chí còn có ý nghĩa hơn cả Quora và những nền tảng trao đổi kiến thức đơn thuần?

Chúng ta phải làm gì để thúc đẩy những nối kết ấy tiến xa thêm một bước? 

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Đừng tưởng bở, những kẻ nhân danh người tốt kia chỉ đang tìm cách trục lợi, bằng việc đánh bóng tên tuổi bản thân và cố gắng kiếm chát từ điều này. Họ chỉ làm những gì có lợi nhất để thu hồi tối đa nguồn vốn của mình.” Có điều, đó dường như chỉ là một cách nhìn nhận vấn đề. Chúng ta đều đủ từng trải để hiểu, động lực ẩn sâu trong mỗi con người thật khó để lý giải. Kể cả khi ta đang nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn nào chăng nữa, thì vẫn luôn tồn tại những rào cản để một người muốn cho đi nhiều hơn (cho đi một cuộc gọi 60 phút, một cuộc tán gẫu, một hiểu biết chuyên môn,… và còn nhiều hơn thế nữa).

Đầu tiên, có một sự thật là người cần được giúp đỡ thường chỉ sẵn sàng tiết lộ về bề nổi của tảng băng chìm. Nhưng chúng ta đều biết rằng, sự giúp đỡ trao đi chỉ mang lại ý nghĩa đích thực khi nó được bắt nguồn từ gốc rễ vấn đề. Do vậy, để gia tăng mức độ tin tưởng, các nền tảng ngày nay cần tạo được một không gian, nơi người dùng có đủ an tâm để chia sẻ toàn cảnh của câu chuyện chính mình, thậm chí là những điều khiến cho họ xấu hổ.

Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta sẵn sàng trao niềm tin cho những người có ý tốt, những người biết đâu sẽ giúp đỡ được bạn. Đồng nghĩa rằng, bạn không thể chỉ dựa vào những thành tựu hoặc lý lịch trên mạng của một người để chọn ra ai là người giúp đỡ lý tưởng dành cho bạn.

Trao đổi kiến thức là một dạng giao dịch khá chủ quan, mang tính phi thương mại và rất khó để định giá. 

Về cơ bản, người trao đi sự giúp đỡ phải cảm thấy xứng đáng với những gì họ đã đầu tư, so với việc dành cùng thời gian đó cho một công việc khác. 

Vậy biến số nào sẽ quyết định cảm giác xứng đáng đó? Phải chăng nó phụ thuộc vào chính phẩm chất của người mà họ sẽ giúp đỡ. Chúng ta có xu hướng ưu tiên giúp đỡ người thân, bạn bè, sau cùng mới đến những người xa lạ. Nhưng sẽ tuyệt vời biết bao nếu tiêu chí ở đây không chỉ giới hạn bởi sự thân thuộc, mà còn dựa trên một thước đo nào đó tuỳ vào quan điểm mỗi người. 

Người hỗ trợ và người cần được hỗ trợ phải “cùng hội cùng thuyền”. 

Nghĩa là bạn và họ đang có cùng những mục đích hoặc lý tưởng chung. Khi đó, việc giúp đỡ họ chắn hẳn cũng là việc bạn đang tự giúp cho chính mình. Một nền tảng không chỉ nên dừng lại ở khả năng tạo ra không gian cho người dùng chia sẻ kiến thức, nó phải tìm cách nối kết những người hỗ trợ và người cần được hỗ trợ, thông qua các điểm chung giữa họ từ trước. Không phải là kiểu nối kết từ những người mà tôi hay bạn đã quen biết, các nối kết đó phải là sự tổng hoà đầy vi tế, mang những người chung một mục đích xích lại gần nhau.

Đó là lý do tôi đã nảy ra một vài sáng kiến:

1. Một danh sách followers, following có thể cho phép tôi xác định rõ nhóm hạt giống mà tôi có thể lắng nghe lời khuyên từ họ. 

2. Một nền tảng ghi nhận thành tựu, chuyên môn và sự tham gia thông qua việc mọi người trao những huy hiệu chứng nhận cho nhau. 

3. Một nền tảng kế hoạch nơi tôi có thể theo dõi những mục tiêu dài hạn và nhiệm vụ ngắn hạn của mình. 

Bạn có bất kỳ ý tưởng nào không? Cho tôi biết với!

Share with: