Từ sau những rầm rộ xoay quanh công nghệ thực tế ảo (VR) hay không gian ảo (metaverse), Meta (công ty mẹ của Facebook) liệu có quên mất việc nâng cao trải nghiệm người dùng ngoài đời thực? Cứ mỗi khi có một tính năng mới được tân trang lại, mối liên kết thực giữa người và người dường như lại bị kéo dãn xa hơn. Khi đó, tôi lại dành hàng giờ để tự hỏi điều gì làm cho mình – một người dùng mạng xã hội – cảm thấy thỏa mãn tuyệt đối. Ý tôi “tuyệt đối” ở đây là một thứ gì đó có giá trị đích thực, cái mà tôi sẵn sàng chi tiền để có được.
Đặt câu hỏi “Tại sao?”
Sẽ thật là đỉnh của chóp nếu như mỗi bài viết được đăng lên với một chủ đích rõ ràng? Cái này đâu có khó. Hãy hỏi người dùng là “Sao bạn muốn viết về điều này?”, thay vì “Bạn đang nghĩ gì vậy?”. Hoặc khắt khe hơn một chút, hãy để họ liệt kê 5-6 mục tiêu đang theo đuổi. Rồi cứ với mỗi bài viết mới, người đăng bài sẽ tự đánh dấu vào những mục tiêu liên quan.
Hiệu lực của sự lãng quên
Chúng ta có bao giờ nhớ hết mọi chi tiết trong đời mình đâu, nhưng ở một khía cạnh nào đó thì sự quên lãng thật tuyệt vời. Sẽ như thế nào nếu mỗi bài đăng của chúng ta cũng có riêng cho chúng một tuổi đời? Sau 3 tháng, những câu từ và hình ảnh mà bạn đã đăng dần mờ nhạt. Sau nửa năm, chính bạn cũng chẳng nhận rằng mình đã bỏ quên những bài viết đó từ bao giờ. Và rồi tròn 12 tháng, chúng thật sự bị biến mất mãi mãi. Dĩ nhiên là sau khi hệ thống kịp gửi lại cho bạn một bản sao trong trường hợp chúng cần được lưu trữ.
Tiếp cận có chọn lọc
Tôi không chắc là ngày nay, có người dùng nào thật sự hiểu cách mà những bài đăng sẽ được lưu hành? Ai đang lắng nghe những gì tôi viết? Khi nào? Và ngược lại, tôi đang lắng nghe ai? Là một tác giả, tôi muốn tự định ra những ranh giới hà khắc về cơ chế những bài viết của mình được lưu hành (công khai/bạn bè/danh sách cụ thể,…). Là một độc giả, tôi lại muốn giới hạn một số kiểu bài viết hoặc tác giả mà mình có thể tiếp cận. Bên cạnh những thuật toán sẵn có, tôi xứng đáng tự mình nắm được quyền kiểm soát và phản hồi một cách chủ động hơn.
Tính tương hỗ
Nhiều lần tôi đã thấy một ai đó đang tìm kiếm một vài điều, như là một căn hộ, một chiếc smartphone, một cái xe đẩy,… Rồi sau một thời gian, lại có ai đó muốn cho đi một cái tương tự. Nhưng quá muộn rồi, họ lạc mất nhau trong đống tàn dư hỗn độn những bài viết.
Tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng xã hội cứ như chơi trò đặt cược vào vòng xoay Roulette. Bài viết của bạn rồi sẽ lặn mất tăm sau vài hồi lướt qua bởi một vài người nào đó. Hầu hết chẳng ai trong số họ có thể cho bạn một giải pháp ngay lập tức. Hoặc đôi khi cũng có đó, nhưng chẳng hiệu quả là bao. Riêng tôi cũng sẽ chọn cách lướt qua, tôi không nghĩ mình sẽ cho họ được lời khuyên hay ho nhất. Nhưng biết đâu sau một tuần, nếu họ vẫn loay hoay trong vấn đề của mình, tôi sẽ thử làm một điều gì đó chăng? Mà làm sao tôi biết được họ vẫn đang mắc kẹt trong vấn đề?
Tôi ước gì có thể gắn một chiếc cờ trên những bài viết để ra hiệu mỗi khi mình cần được giúp đỡ. Lá cờ sẽ được giương lên cho đến khi tôi lo liệu xong các vấn đề của mình. Và trong khi chờ có một ai đó sẵn sàng đề nghị giúp đỡ, tôi không cần phải ái ngại khi liên tục bám đuổi để nhờ vả họ. Thuật toán sẽ giúp tôi làm điều này. Ngoài ra, cũng chỉ cần vài giây để tôi xem được những vấn đề của bạn bè xung quanh quanh mình. Tôi sẽ biết được “Hôm nay tôi có thể giúp đỡ được cho ai?”.
Có điều là, theo một cách nào đó, những ước muốn của tôi đang tạo ra tác động bất lợi đến nguồn thu của những hoạt động quảng cáo. Bởi vậy, trừ khi là câu chuyện sống còn, chứ chẳng đời nào Facebook lại chọn đi trên con đường thua chột lợi nhuận kiểu này. Tôi có nên bắt đầu tự mình hành động thay vì tiếp tục mơ tưởng?